Thờ ơ với an toàn lao động

Lan Anh 29/03/2018 0 nhận xét

Bên cạnh những doanh nghiệp quan tâm đến an toàn – vệ sinh lao động, trên địa bàn tỉnh, vẫn còn không ít doanh nghiệp để người lao động làm việc trong môi trường mất an toàn, nguy cơ tai nạn cao. Thực trạng tại Công ty TNHH Thái Bình (Cụm CN-TTCN Trường Xuân, xã Tam Đàn, Phú Ninh là một ví dụ. Đứt tay, trầy xước là chuyện… bình thường?! Bước vào xưởng đúc ống cống bê tông của Công ty TNHH Thái Bình, nhiều người không khỏi “ngợp” vì không biết đi lối nào để tránh đụng phải những vật liệu, dụng cụ đúc ống bê tông nằm ngổn ngang. 3 cầu trục liên tục di chuyển để đúc và vận chuyển ống bê tông với hệ thống dây cáp treo lủng lẳng; công nhân làm việc bên dưới, nếu lơ là không chú ý có thể bị va đập vào đầu bất cứ lúc nào. Bản thân người lao động không được trang bị dụng cụ bảo vệ an toàn thiết yếu nào như giày ủng, nón bảo hộ, găng tay, khẩu trang. Họ chỉ có mỗi bộ đồ lao động do công ty cấp phát. Một người đang làm việc với áo cộc tay, quần lửng cười nói vô tư: “Làm chỗ ni nóng, mặc áo quần dài tay khó chịu nên mặc ri cho mát. Còn nón bảo hộ thì có phát đâu mà đội, tự mình cẩn thận thôi!”. Một nữ công nhân khác đang làm việc ở khâu trộn bê tông nói: “Công ty có phát áo quần, còn mũ nón, găng tay, khẩu trang thì tự mua mà đeo. Đeo khẩu trang một hồi không quen, khó thở cũng cởi ra, nữ còn tự trang bị cho mình được chứ đàn ông họ không đeo chi hết”. Khi hỏi đến tai nạn lao động, nhiều công nhân nói rằng, chuyện đứt tay chân, trầy xước là chuyện bình thường, sát trùng xong dán băng cá nhân vào rồi làm tiếp, không ảnh hưởng nhiều đến công việc. Công nhân làm việc ở khâu cơ khí cũng không được trang bị bất cứ phương tiện bảo hộ nào như kính hàn, găng tay, ủng… ngoài bộ áo quần lao động. Công ty cho gì dùng nấy, không cho cũng chẳng sao, miễn sao cuối tháng có lương đầy đủ là được. Vì thế, họ vô tình đã tạo điều kiện dễ dãi cho chủ sử dụng lao động trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ với người lao động. Và tại công ty này, một tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động là công đoàn cũng không có thì người lao động không am hiểu được những quyền lợi cơ bản của mình cũng là điều dễ hiểu. Họ không ý thức được những nguy cơ tai nạn và bệnh tật có thể xảy đến với họ bất cứ lúc nào nên không yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Chủ doanh nghiệp vi phạm.Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Ninh đã từng kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại Công ty TNHH Thái Bình, yêu cầu công ty chấn chỉnh và thực hiện ngay những quy định của pháp luật lao động, nhưng công ty vẫn thờ ơ. Khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đến kiểm tra công ty (trong tháng 11-2010), những sai phạm theo kiểm tra của Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Ninh trước đây vẫn chưa được chấn chỉnh. Công ty có 64 người lao động nhưng không thành lập tổ chức công đoàn, không ký kết thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, không xây dựng và đăng ký thang bảng lương. Công ty này cũng không có hội đồng bảo hộ lao động, không có mạng lưới an toàn vệ sinh viên, không đo đạc môi trường lao động, không khám sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong khi đây là ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại. Đặc biệt, 3 cầu trục, 1 nồi hơi và 1 bình chứa khí nén là những thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nhưng công ty cũng không kiểm định. Vì vậy, các thiết bị này có an toàn đối với người lao động hay không thì không ai dám khẳng định. Chính chủ doanh nghiệp đã không nghĩ đến chuyện an toàn cho người lao động nên mới lơ là một việc vô cùng quan trọng như thế. Ông Trần Minh Thế – Giám đốc Công ty TNHH Thái Bình cho biết: “Cầu trục tự chế này rất nhiều nơi đều dùng, chỗ chúng tôi chưa từng xảy ra tai nạn lao động do cầu trục gây ra nên tôi nghĩ là an toàn. Công nhân có bị tai nạn thì chỉ là tai nạn nhẹ như đứt tay, rách chân do bất cẩn thì đâu cần phải báo cáo lên trên. Chúng tôi không trang bị nón bảo hộ hay giày ủng vì công nhân không thích, có trang bị họ cũng không dùng. Mặc áo cộc quần lửng làm việc, nhưng họ thấy dễ chịu, làm việc, có năng suất là được rồi”. Nghe ông Thế nói vậy, các thành viên trong đoàn kiểm tra đã giải thích, chỉ rõ những sai phạm của công ty và hướng dẫn để chủ doanh nghiệp hiểu và thực hiện, vì quyền lợi của người lao động cũng chính là vì quyền lợi của doanh nghiệp. Sau khi nghe các thành viên của các cơ quan chức năng như Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giải thích cụ thể, ông Thế đã nhận ra được những điều chưa đúng đang tồn tại trong chính công ty của ông, đồng thời hứa sẽ cải thiện tình hình. 

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: